Ngày 05/01/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát lệnh khởi công xây dựng giai đoạn 1 của sân bay Quốc tế (SBQT) Long Thành, sau một khoảng thời gian dài dự án này được lên kế hoạch và chuẩn bị. Thủ tướng nhấn mạnh:
“Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành theo chuẩn hàng không dân dụng Quốc tế, hướng đến trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của quốc tế và khu vực.”
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về sân bay Quốc tế Long Thành, hãy cùng nhìn lại bối cảnh của ngành hàng không Việt Nam nói chung và của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng.
Dựa vào số liệu thống kê trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/ năm. Theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được ghi nhận là một trong những
thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại khu vực phía Nam nói riêng, hiện tại chỉ có 3 sân bay Quốc tế là Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. Trong đó SBQT Cần Thơ có chức năng phục vụ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, SBQT Phú Quốc phục vụ riêng cho khách du lịch đến đảo Phú Quốc. Trong khi đó, SBQT Tân Sơn Nhất phải phục vụ cho cả khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh lân cận, với quy mô dân số chiếm hơn 20% và tổng GDP hàng năm trên 50% của cả nước.
Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất tính đến 2021 đã có tuổi đời 100 năm, trong suốt quá trình hoạt động của mình đã trải qua nhiều lần nâng cấp mở rộng để đáp ứng nhu cầu hàng không gia tăng nhanh qua mỗi năm. Công suất thiết kế tiêu chuẩn của Tân Sơn Nhất là 25 triệu hành khách/ năm, nhưng kể từ năm 2016, Tân Sơn Nhất luôn phải hoạt động vượt công suất của mình. Tính đến 2019, trước thời điểm dịch COVID xảy ra gây ảnh hưởng ngành hàng không toàn cầu, thì Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 40 triệu hành khách/năm, trung bình 700 chuyến bay đến và đi tại Tân Sơn Nhất mỗi ngày, dịp cao điểm lên đến 900 chuyến/ngày. Điều này đưa Tân Sơn Nhất lọt vào top các sân bay nhộn nhịp nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong khi nhu cầu hàng không tại Tân Sơn Nhất ngày càng tăng thì quỹ đất mở rộng sân bay lại rất hạn hẹp, do khu vực xung quanh sân bay có mật độ dân cư rất cao, chi phí và thời gian cho việc đền bù giải tỏa là rất lớn. Bên cạnh đó là năng lực hạ tầng kết nối đến Tân Sơn Nhất cũng có hạn, các trục đường chính dẫn đến Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Cộng Hòa, Quang Trung,… thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhất là các dịp cao điểm. Điều này trong thời gian dài sẽ gây ra những hệ quả xấu đến kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, lấy ý kiến và thảo luận giữa các cấp Nhà Nước và người dân, việc lên kế hoạch cho một sân bay Quốc tế mới để giảm tải và dần thay thế cho sân bat Quốc tế Tân Sơn Nhất đã được thống nhất và lựa chọn.
Sân bay Quốc tế Long Thành tọa lạc tại vị trí trung tâm của Đông Nam Bộ, trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Về đường bộ, nó cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 35km, cách TP Biên Hòa 30km, cách Bà Rịa – Vũng Tàu 60km. Về đường bay, chỉ trong vòng 2 giờ đến 2,5 giờ bay có thể tiếp cận hầu hết các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á và nằm trên tuyến hàng không sôi động nhất thế giới kết nối châu Á Thái Bình Dương với các châu lục khác. Có thể nói đây là vị trí chiến lược trên bản đồ hàng không quốc tế.
Với quy mô lên đến 5.000ha, tổng số vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 4 giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2050 với tổng công suất hành khách dự kiến 100 triệu người/ năm và hàng hóa 5 triệu tấn/năm. Đây là một dự án với tầm nhìn chiến lược dài hạn và bài bản của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến khi đi vào hoạt động, sân bay Quốc tế Long Thành sẽ đóng góp từ 3 – 5% tổng GDP cả nước mỗi năm (GDP tăng 8 – 12 tỷ USD từ những tác động mang lại cho kinh tế), giúp tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nhiều ngành nghề ở khu vực xung quanh sân bay.
Sân bay Quốc tế Long Thành cũng đóng góp vào phát triển hạ tầng khu vực nói chung, trong đó phải kể đến các tuyến giao thông lớn giúp kết nối đến sân bay như cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây mở rộng, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, các tuyến đường sắt và đường Vành đai,… Những hạ tầng này sẽ gián tiếp thúc lưu thông hàng hóa, sản xuất, thương mại, thúc đẩy nền kinh tế liên vùng, trong đó bất động sản cũng là một yếu tố được hưởng lợi.
Nhìn xa hơn, sân bay Quốc tế Long Thành nằm trong chiến lược phát triển mạng lưới logistic phía Nam, trong đó sân bay Quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải (cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và lọt top 15 cảng có công suất lớn nhất thế giới) sẽ đóng vai trò là 2 cửa ngõ trung chuyển của khu vực. Từ đây hàng hóa sẽ đến và đi theo đường biển và đường hàng không, sau đó lan tỏa ra theo mạng lưới đường bộ. Đây là một bức tranh lớn tiềm năng cho ngành logistics khu vực phía Nam. Đặc biệt hơn, trong mạng lưới này vai trò của các khu công nghiệp và công nghệ cao đã hiện hữu ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ càng được thể hiện rõ hơn. Với xu hướng
dịch chuyển nền công nghiệp công nghệ cao từ Trung Quốc sang các nước lân cận trong những năm gần đây, có thể nói khu vực Đông Nam Bộ sẽ là lựa chọn ưu tiên khi đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về logistics và hạ tầng cơ sở. Đây được xem như “hổ mọc thêm cánh”.
Nói về tác động đến bất động sản, có thể nhìn thấy bài học trong quá khứ của sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), sân bay Quốc tế Đà Nẵng (Đà Nẵng) và sân bay Quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) đã ảnh hưởng đến giá bất động sản tại nơi mình tọa lạc như thế nào. Nhờ vào sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các khu công nghệ cao, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các đô thị phục vụ dân cư xung quanh, phát triển du lịch,… Tất cả các yếu tố trên sẽ kéo theo nhu cầu về sở hữu đất đai, tài sản xung quanh mạng lưới sân bay, giúp giá trị bất động sản tăng nhanh và tăng cao.
Có thể nói, sân bay Quốc tế Long Thành sẽ là một dự án đầu tư không chỉ giúp giải quyết vấn đề hàng không mà còn là bài toán đầu tư kinh tế dài hạn mang tầm khu vực. Từ Long Thành, không chỉ các chuyến bay cất cánh mà nền kinh tế cũng sẽ “cất cánh” để đạt đến những mốc son mới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thương trường Quốc tế!
Ban biên tập Địa Ốc Thanh Phát